Lan tỏa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở Long Phú"
Để phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” có sức lan tỏa sâu rộng, ban chỉ đạo phong trào của huyện xây dựng kế hoạch, tổ chức kiểm tra việc thực hiện, hướng dẫn ban chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện chương trình xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị. Việc xây dựng và phát triển các phong trào: “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”; “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”; “Phụ nữ thi đua tích cực học tập, lao động sáng tạo xây dựng gia đình hạnh phúc”, phong trào “Xây dựng 5 không, 3 sạch”; “Khuyến học, khuyết tài, xã hội học tập”; “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”… góp phần tạo sức lan tỏa cho phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Gia đình ông Huỳnh Nê, ngụ ấp Khoan Tang, là một trong những gia đình văn hóa tiêu biểu nhiều năm liền của thị trấn Long Phú, huyện Long Phú và được tỉnh công nhận là gia đình hiếu học. Nhiều năm qua, ông luôn phát huy và thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của người có uy tín. Từ đó, ông được chính quyền địa phương và bà con người Khmer tín nhiệm, tin tưởng chọn làm người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Bản thân ông và gia đình luôn tích cực tham gia đóng góp sức người, sức của, hiến đất, hoa màu cho địa phương xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, chung tay xây dựng thị trấn văn minh đô thị, đóng góp vào quỹ an sinh xã hội… Điều đáng tự hào hơn là 6 người con của ông đều thành đạt và trở thành bác sĩ, kỹ sư và giáo viên. Ông Huỳnh Nê tâm sự: “Dù khó khăn đến đâu, gia đình tôi quyết tâm vượt qua, nhất là xây dựng kinh tế gia đình ổn định, lo cho con cái học hành tới nơi tới chốn. Bản thân luôn làm gương đối với các con, cháu của mình, sống giản dị, cố gắng làm ăn, làm việc tốt để tạo kinh tế, chăm lo hạnh phúc gia đình”.
Chú thích ảnh: Trường Khánh xây dựng đạt 21/22 tiêu chí xã văn hóa nông thôn mới.
Điểm nhấn quan trọng của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn huyện Long Phú thời gian qua là tập trung vận động nhân dân thực hiện quy ước, hương ước; quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng nếp sống văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, mừng thọ; tổ chức tốt “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc” hàng năm với nhiều nội dung phong phú; giữ gìn vệ sinh, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, phát triển kinh tế, giảm nghèo, huy động các nguồn lực để xây dựng thiết chế văn hóa - thể thao... Đến cuối năm 2019, toàn huyện có 25.859/28.153 gia đình đạt chuẩn văn hóa; có 60/61 ấp đạt danh hiệu ấp văn hóa; 125/129 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công nhận đạt chuẩn văn hóa. Huyện đầu tư trên 12,2 tỉ đồng xây dựng các thiết chế văn hóa - thể thao, phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí lành mạnh cho nhân dân. Hiện có 10/11 xã, thị trấn có nhà văn hóa, 43/61 nhà văn hóa ấp từng bước đạt chuẩn; 5 tụ điểm văn hóa được duy trì sinh hoạt tại các chùa Nam tông Khmer; có 4 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, 4 bia tưởng niệm. Về thiết chế thể thao, hiện có 2 sân quần vợt, 28 sân bóng chuyền, 56 sân bi sắt, 13 sân cầu lông và thành lập được 42 câu lạc bộ; số người tham gia tập luyện thể dục thể thao thường xuyên là trên 28.000 người (chiếm 24,6% dân số), số gia đình thể thao là 2.676 hộ (chiếm 9,5%). Tính đến nay, có xã Trường Khánh và Tân Thạnh thực hiện đạt 20/21 tiêu chí xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; 7 xã còn lại đạt từ 16 - 18 tiêu chí; có 10 ấp được công nhận ấp đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới thuộc 4 xã: Long Đức, Song Phụng, Trường Khánh và Phú Hữu.
Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” huyện Long Phú Danh Hoàng Nguyên cho biết: “Việc triển khai thực hiện và lồng ghép nội dung xây dựng xã văn hóa nông thôn mới vào phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã và đang là giải pháp có hiệu quả trong việc nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa trên địa bàn huyện, góp phần cùng đảng bộ, chính quyền và địa phương thực hiện tốt công tác xây dựng nông thôn mới. Thời gian tới, Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa, đồng thời triển khai, chỉ đạo thực hiện nội dung các danh hiệu văn hóa; phấn đấu có trên 91% hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa; 100% ấp đạt chuẩn ấp văn hóa. Đến cuối năm 2020, có 2 thị trấn (Long Phú và Đại Ngãi) phấn đấu đạt 23/24 tiêu chí…”.
Bài và ảnh: Sóc Ca.